Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Các loại hình doanh nghiệp phổ biển ở Việt Nam


Cùng tìm hiểu những loại hình doanh nghiệp phố biến ở Việt Nam. Sau đây Luật Trí Minh sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về các loại hình doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam. 

Doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
Ảnh minh họa - Nguồn internet
Đặc điểm của doanh nghiệp Nhà nước:

Đặc điểm thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân.
Doanh nghiệp nhà nước đáp ứng đầy đủ 4 yếu tố của Điều 84 Bộ luật dân sự 2005, cụ thể: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Đặc điểm thứ hai, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền kinh tế bình đẳng với các doanh nghiệp khác và hạch toán kinh tế độc lập trong phạm vi vốn do nhà nước quản lý.
Đặc điểm thứ ba, hình thức tổ chức của doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức dưới các hình thức sau: Công ty nhà nước, công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn có 2 thành viên trở lên.

Doanh nghiệp tư nhân 

Điều 141 Luật doanh nghiệp 2005 quy định:
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
Ảnh minh họa - Nguồn internet

Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân:
Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân bỏ vốn ra thành lập và đầu tư: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp mà tất cả tài sản thuộc về một chủ sở hữu duy nhất; người chủ này là một cá nhân, một con người cụ thể. Cá nhân này vừa là người sử dụng tài sản, đồng thời cũng là người quản lý hoạt động của doanh nghiệp tư nhân.
Cá nhân có thể trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành quản lý doanh nghiệp, song chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai, vốn của doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tư nhân tự khai, chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ khai báo chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ: số vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác. 
Thứ ba, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp.
Thứ tư, doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán để huy động vốn trong kinh doanh.
Thứ năm, doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân.

 Hợp tác xã

Điều 1 Luật Hợp tác xã năm 2003 quy định
Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (sau đây gọi chung là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của Luật này để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia Hợp tác xã, cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích luỹ và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Đặc điểm của hợp tác xã:
Thứ nhất, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế.
Hợp tác xã được thành lập để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Lợi nhuận là mục tiêu quan trọng nhất trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ như tất cả mọi loại hình doanh nghiệp khác. Mục tiêu lợi nhuận dễ dàng đạt được hơn khi có nhiều cá nhân chung vốn, góp sức tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thứ hai, hợp tác xã do cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân thành lập (gọi chung là xã viên).
Đối với cá nhân phải là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Cán bộ, công chức được tham gia hợp tác xã với tư cách là xã viên theo quy định của Điều lệ hợp tác xã nhưng không được trực tiếp quản lý, điều hành hợp tác xã
   - Đối với hộ gia đình, hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung cùng đóng góp công sức để họat động kinh tế chung trong hoạt động sản xuất nông lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể quan hệ pháp luật khi tham gia.
   - Đối với pháp nhân, pháp nhân có thể trở thành xã viên của hợp tác xã theo quy định của Điều lệ hợp tác xã. Khi tham gia hợp tác xã, pháp nhân phải cử người đại diện có đủ điều kiện như đối với các cá nhân tham gia.
Thứ ba, người lao động tham gia hợp tác xã vừa góp vốn vừa góp sức.
  Góp vốn là việc xã viên Hợp tác xã khi tham gia hợp tác xã phải góp vốn tối thiểu là số tiền hoặc giá trị tài sản, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu các phát minh, sáng chế, bí quyết kỹ thuật và các loại giấy tờ có giá khác được quy ra tiền mà xã viên bắt buộc phải góp khi gia nhập hợp tác xã.
  Góp sức là việc xã viên tham gia xây dựng hợp tác xã dưới các hình thức trực tiếp quản lý, lao động sản xuất, kinh doanh, tư vấn và các hình thức tham gia khác.
Thứ tư, hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ.
Hợp tác xã là tổ chức kinh tế hoạt động tự chủ. Tính tự chủ của hợp tác xã được thể hiện ở chỗ nó là doanh nghiệp tự hạch toán, lời ăn lỗ chịu, khi tiến hành kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề và lĩnh vực đã đăng ký. Hợp tác xã đáp ứng đầy đủ  bốn điều kiện về pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, đồng thời Điều 1 Luật hợp tác xã cũng khẳng định, hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân.

Công ty cổ phần

Theo Điều 77 Luật doanh nghiệp 2005, công ty cổ phần là doanh nghiệp trong đó:
Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã  góp vào doanh nghiệp;
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác trừ trường hợp quy định của pháp luật.
Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa.
Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đặc điểm của công ty cổ phần :
Thứ nhất, về vốn của công ty. Vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau hoặc gọi là cổ phần. Mỗi cổ phần được thể hiện dưới dạng văn bản (chứng chỉ do công ty phát hành), bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty gọi là cổ phiếu. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phiếu. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của một hay nhiều cổ phần. Việc góp vốn vào công ty được thực hiện bằng việc mua cổ phần. Mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần.
Thứ hai, về thành viên của công ty. Trong suốt quá trình hoạt động ít nhất phải có ba thành viên tham gia công ty cổ phần.
Thứ ba, về trách nhiệm của công ty. Công ty cổ phần chịu trách nhiệm bằng tài sản của công ty. Các  cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi phần vốn đã góp vào công ty (đến hết giá trị cổ phần mà họ sở hữu).
Công ty cổ phần là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thứ tư, về phát hành chứng khoán. Công ty cổ phần có quyền phát hành các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư và các loại chứng khoán khác để huy động vốn.
Cuối cùng là chuyển nhượng phần vốn góp (cổ phần). Cổ phần của các thành viên được thể hiện dưới hình thức cổ phiếu. Các cổ phiếu của công ty cổ phần được coi là hàng hoá, được mua, bán, chuyển nhượng tự do theo quy định của pháp luật. 

Công ty trách nhiệm hữu hạn:

Theo Luật doanh nghiệp 2005 :
Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên (Điều 38 Luật doanh nghiệp 2005), là doanh nghiệp, trong đó:
Thành viên của công ty có thể tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên công ty không vượt quá 50;
Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp;
Phần vốn của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại Điều 43,44,45 của Luật Doanh nghiệp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Công ty trách nhiệm hữu hạn  không được quyền phát hành cổ phần;

Đặc điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên.
Thứ nhất, về vốn của công ty. Vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng hoặc không bằng nhau. Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên  chịu trách nhiệm bằng tài sản của công ty; các thành viên công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào công ty.
Thứ hai, về thành viên của công ty. Trong suốt quá trình hoạt động ít nhất phải có từ hai thành viên và tối đa không quá 50 thành viên tham gia công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thứ tư, về phát hành chứng khoán. Công ty trách nhiệm hữu hạnhai thành viên không được quyền phát hành cổ phần để huy động vốn. Phần vốn góp của các thành viên công ty được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Điều 63 Luật doanh nghiệp 2005), là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần.
Thứ nhất, về chủ sở hữu công ty do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên một thành viên là tổ chức có tư cách pháp nhân và phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp trong phạm vi vốn điều lệ.
Thứ hai, về phát hành chứng khoán. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên  một thành viên không được phát hành cổ phần để huy động vốn trong kinh doanh.
Thứ ba, về chuyển nhượng vốn góp. Việc chuyển nhượng vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Công ty hợp danh

Đối với các nước trên thế giới, công ty hợp danh được pháp luật ghi nhận là một loại hình đặc trưng của công ty đối nhân, trong đó có ít nhất chia thành viên (đều là cá nhân và là thương nhân) cùng tiến hành hoạt động thương mại (theo nghĩa rộng) dưới một hãng chung (hay hội danh) và cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ty.
Theo Luật Doanh nghiệp 2005 quan niệm về công ty hợp danh ở nước ta hiện nay có một số quan điểm khác với cách hiểu truyền thống về công ty hợp danh. Theo đó công ty hợp danh được định nghĩa là một loại hình doanh nghiệp,

Đặc điểm cơ bản:
- Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh); Ngoài các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty;
- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Trong quá trình hoạt động, công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Như vậy, nếu căn cứ vào tính chất thành viên  và chế độ chịu trách nhiệm tài sản, thì công hợp danh theo Luật Doanh nghiệp có thể được chia thành hai loại: Loại thứ nhất là những công ty giống với công ty hợp danh theo pháp luật các nước, tức là chỉ bao gồm những thành viên hợp danh (chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty); Loại thứ hai là những công ty có cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn (chịu trách nhiệm hữu hạn) và cũng là một loại hình của công ty đối nhân. Có thể thấy, khái niệm công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp của Việt Nam có nội hàm của khái niệm công ty đối nhân theo pháp luật các nước. Với quy định về công ty hợp danh, Luật Doanh nghiệp đã ghi nhận sự tồn tại của các công ty đối nhân ở Việt Nam.

Thành viên công ty hợp danh bao gồm:

Thứ nhất là thành viên hợp danh. Công ty hợp danh bắt buộc phải có thành viên hợp danh (ít nhất là hai thành viên). Thành viên hợp danh phải là cá nhân.
Trách nhiệm tài sản của các thành viên hợp danh đối với các nghĩa vụ của công ty là trách nhiệm vô hạn và liên đới. Chủ nợ có quyền yêu cầu bất kỳ thành viên hợp danh nào thanh toán các khoản nợ của công ty đối với chủ nợ. Mặt khác, các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình (tài sản đầu tư vào kinh doanh và tài sản dân sự).
Thành viên hợp danh là những người quyết định sự tồn tại và phát triển của công ty cả về mặt pháp lý và thực tế. Trong quá trình hoạt động, các thành viên hợp danh được hưởng những quyền cơ bản, quan trọng của thành viên công ty, đồng thời phải thực hiện những nghĩa vụ tương xứng để bảo vệ quyền lợi  của công ty và những người liên quan. Các quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh được quy định trong Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Tuy nhiên để bảo vệ lợi ích của công ty, pháp luật quy định một số hạn chế đối với quyền của thành viên hợp danh như: Không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty khác (trừ trường hợp được sự nhất trí  của các thành viên hợp danh còn lại); không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành nghề kinh doanh của công ty đó; không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp nhận của các thành viên hợp danh còn lại.
Trong quá trình hoạt động, công ty hợp danh có quyền tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn. Việc tiếp nhận thêm thành viên phải được Hội đồng thành viên chấp thuận. Thành viên hợp danh mới được tiếp nhận vào công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty (trừ khi có thoả thuận khác). Tư cách thành viên công ty của thành viên hợp danh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Thành viên chết hoặc bị toà án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
- Tự nguyện rút khỏi công ty hoặc bị khai trừ khỏi công ty. Khi tự nguyện rút khỏi công ty hoặc bị khai trừ khỏi công ty trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên, thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty đã phát sinh trước khi đăng ký việc chấm dứt tư cách thành viên đó với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Thứ hai là thành viên góp vốn. Công ty hợp danh có thể có thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Là thành viên của công ty đối nhân, nhưng thành viên góp vốn hưởng chế độ trách nhiệm tài sản như một thành viên của công ty đối vốn. Chính điều này là lý do cơ bản dẫn đến thành viên góp vốn có thân phận pháp lý khác với thành viên hợp danh. Bên cạnh những thuận lợi được hưởng từ chế độ trách nhiệm hữu hạn, thành viên góp vốn bị hạn chế những quyền cơ bản của một thành viên công ty. Thành viên góp vốn không được tham gia quản lý công ty, không được hoạt động kinh doanh nhân danh công ty. Pháp luật nhiều nước còn quy định nếu thành viên góp vốn hoạt động kinh doanh nhân danh công ty thì sẽ mất quyền chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ của công ty. Các quyền và nghĩa vụ cụ thể của thành viên góp vốn được quy định trong Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Công ty liên doanh

Công ty liên doanh là công ty do hai hay nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài nhằm tiến hành hoạt động kinh doanh các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân Việt Nam.

Đặc điểm của công ty liên doanh:
Thứ nhất, công ty liên doanh là công ty do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập, nhưng ít nhất phải có một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài và một bên là công ty của Việt Nam. Nếu không có một bên là cá nhân, tổ chức nước ngoài thì không gọi là công ty liên doanh được.
Thứ hai, vốn của công ty liên doanh một phần thuộc sở hữu của bên hoặc các bên nước ngoài. Còn một phần thuộc sở hữu của bên hoặc các bên Việt Nam,... Trong mọi trường hợp, phần vốn góp của các bên nước ngoài không được thấp hơn 30% vốn điều lệ của công ty liên doanh trừ trường hợp pháp luật quy định.
Thứ ba, công ty liên doanh được thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh là chủ yếu. Trên cơ sở hợp đồng liên doanh, công ty phải xây dựng điều lệ công ty.
Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài là công ty có vốn đầu tư nước ngoài mà ở trong đó có các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư toàn bộ vốn để thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
 Đặc điểm của công ty có 100% vốn nước ngoài:
 Ngoài những đặc điểm của công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công ty 100% vốn nước ngoài có những đặc điểm như sau:
Thứ nhất, công ty 100% vốn nước ngoài có thể do một tổ chức, một cá nhân hoặc có thể do nhiều tổ chức, nhiều cá nhân nước ngoài đầu tư vốn thành lập và hoạt động.
Thứ hai, vốn và tài sản của công ty hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Thứ ba, công ty 100% vốn nước ngoài hoàn toàn do người nước ngoài quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Nhà nước Việt Nam chỉ quản lý “vòng ngoài” thông qua việc cấp giấy phép đầu tư và kiểm tra việc chấp hành pháp luật Việt Nam, chứ không can thiệp vào việc tổ chức quản lý nội bộ công ty.

CHÚC QUÝ BẠN ĐỌC SẼ CÓ ĐƯỢC NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH ĐỂ ÁP DỤNG VÀO CÔNG VIỆC KINH DOANH CỦA MÌNH 

NẾU CÓ NHU CẦU CẦN ĐƯỢC TƯ VẤN TRỰC TIẾP OR GIẢI ĐÁP THẮC MẮC VỀ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ - HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI 

CÔNG TY LUẬT TRÍ MINH LUÔN SẴN SÀNG 

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI 
Hotline 0906998696 - Mail: lienhe@luattriminh.vn 

VĂN PHÒNG HÀ NỘI
AD: Tầng 8 - Số 1 Thái Hà, Tòa Nhà Viettower( Parkson), Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04-3766-9599 - Fax: 04- 3766-9636

VĂN PHÒNG TẠI TP HỒ CHÍ MINH
AD: Lầu 8 - P804, Số 151 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 06, Quận 3, TP. HCM
Tel: 08-3933 3323 - Fax: 08-3838-8868

1 nhận xét: